#020 | Giải thích hợp đồng trên cơ sở quy định của pháp luật

12/25/2023

Tình tiết sự kiện:

Ông H (Nguyên đơn - Bên mua bảo hiểm) xác lập hợp đồng bảo hiểm với Công ty B (Bị đơn - Bên bảo hiểm). Sau đó các Bên có tranh chấp về nội hàm “lái xe không có giấy phép lái xe hợp lệ” được nêu trong hợp đồng và Hội đồng Trọng tài đã căn cứ vào một số quy định của pháp luật để xác định nội hàm vừa nêu.

Bài học kinh nghiệm:

Trong một chủ đề khác, chúng ta đã thấy hợp đồng đôi khi cần phải giải thích để biết được quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan. Trong vụ việc trên cũng vậy. Cụ thể, ngày 12/10/2011, khi điều khiển xe thuộc đối tượng bảo hiểm, lái xe là ông Q đã bị phạt vi phạm hành chính với hành vi “để người ngồi trên buồng lái quá số lượng quy định” với hình thức phạt tiền và tạm giữ giấy phép lái xe. Hai ngày sau đó, xe gây tai nạn và Bên mua bảo hiểm yêu cầu Bên bảo hiểm tiến hành bảo hiểm nhưng không được chấp nhận. Lý do để Bên bảo hiểm từ chối bảo hiểm là vì trong hợp đồng có quy định một trong những điểm loại trừ trách nhiệm bảo hiểm là “tại thời điểm xảy ra tai nạn, lái xe không có giấy phép lái xe hợp lệ”. Phía Bảo hiểm cho rằng “việc lái xe bị tạm giữ giấy phép lái xe được coi là không có giấy phép lái xe hợp lệ và do đó, thuộc trường hợp loại trừ bảo hiểm theo quy định tại quy tắc bảo hiểm” nhưng quan điểm này không được Bên mua bảo hiểm đồng ý.

Phần trên cho thấy các Bên hiểu không thống nhất về khái niệm “lái xe không có giấy phép lái xe hợp lệ” và cần phải giải thích. Thực tế, Hội đồng Trọng tài đã theo hướng “việc lái xe bị tạm giữ giấy phép lái xe khi xảy ra tai nạn không thuộc trường hợp loại trừ bảo hiểm theo quy định tại khoản 3 Điều 9 Quy tắc bảo hiểm. Do đó, Bị đơn có nghĩa vụ bồi thường cho Nguyên đơn những tổn thất, thiệt hại xảy ra đối với tài sản được bảo hiểm”. Để đạt được kết quả này, Hội đồng Trọng tài đã phải giải thích khái niệm trên và dưới đây là cách giải thích của Hội đồng Trọng tài.

Theo Hội đồng Trọng tài, “Thứ nhất, QTBH không liệt kê rõ những trường hợp nào được xem là không có giấy phép lái xe hợp lệ. Luật Giao Thông Đường Bộ cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành không có bất kỳ điều khoản giải thích thế nào là “giấy phép lái xe hợp lệ”. Tuy nhiên, tham khảo các điều khoản về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ quy định tại Nghị định 34/2010/NĐ-CP ngày 02/4/2012 (“NĐ34”), giấy phép lái xe hợp lệ có thể được hiểu là: (i) giấy phép lái xe phù hợp với loại xe đang điều khiển; (ii) giấy phép lái xe còn trong thời hạn sử dụng; (iii) giấy phép lái xe do cơ quan có thẩm quyền cấp; và (iv) giấy phép lái xe không bị tẩy xóa. Tính đến thời điểm xảy ra sự kiện bảo hiểm, chưa có bất kỳ quyết định nào của cơ quan có thẩm quyền xác định giấy phép lái xe của người điều khiển xe BKS 85C-xxxx vi phạm một trong những quy định nêu trên. Do đó, không có cơ sở để khẳng định giấy phép lái xe của tài xế xe là không hợp lệ; Thứ hai, không mang theo giấy phép lái xe không có nghĩa là người lái xe không có giấy phép lái xe. Điều này khác với việc không có giấy phép lái xe hoặc không có giấy phép lái xe hợp lệ. Việc B đồng nhất hai khái niệm này với nhau, cho rằng bị tạm giữ giấy phép lái xe chính là không có giấy phép lái xe hợp lệ là không có căn cứ; Thứ ba, bị tạm giữ giấy phép lái xe không đồng nghĩa với việc bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe. NĐ 34 quy định rõ tước quyền sử dụng giấy phép lái xe là một hình phạt bổ sung và trong thời gian bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe, người vi phạm không được điều khiển các loại phương tiện (được phép điều khiển) ghi trong Giấy phép lái xe (khoản 2 Điều 5, khoản 1 Điều 6 NĐ 34). Như vậy, có thể hiểu, trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, người lái xe bị coi như không có giấy phép lái xe. Trong khi đó, tạm giữ giấy phép lái xe theo Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính chỉ là một trong những biện pháp bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Do không phải là một hình thức xử phạt nên quyền điều khiển phương tiện giao thông của người lái xe không bị mất trong thời gian bị tạm giữ giấy phép. Thực tế, theo ý kiến đánh giá của Công an huyện T, tỉnh Q đã khẳng định, việc tạm giữ giấy phép lái xe ông Q vẫn được quyền điều khiển phương tiện. Do đó, ý kiến của Tổng cục Đường bộ Việt Nam thuộc Bộ Giao thông vận tải chỉ có ý nghĩa tham khảo, không phải là căn cứ bác bỏ yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn”.

Ở đoạn trên, chúng ta thấy Hội đồng Trọng tài giải thích một nội dung của hợp đồng bằng cách khai thác các quy định trong một Nghị định của Chính phủ. Cách khai thác quy định của pháp luật để làm rõ một khái niệm chưa rõ trong hợp đồng không hiếm trong thực tế. Chẳng hạn, trong một tranh chấp khác tại VIAC, trước việc các bên hiểu khác nhau về thuật ngữ “trách nhiệm” trong hợp đồng, Hội đồng Trọng tài thuộc VIAC đã xét rằng “trong hợp đồng, các Bên dành cả Điều 1 để Định nghĩa và giải thích các thuật ngữ được sử dụng trong hợp đồng nhưng không định nghĩa cũng như giải thích thuật ngữ trách nhiệm. Khi các Bên không thỏa thuận, Hội đồng Trọng tài sẽ phải áp dụng luật để giải quyết vấn đề. Khi xem xét Bộ luật dân sự năm 2005, có thể thấy, thuật ngữ trách nhiệm được Bộ luật dân sự năm 2005 sử dụng với một trong hai ngữ nghĩa sau: Ở ngữ nghĩa thứ nhất, một chủ thể có trách nhiệm là vì đã có việc một bên có nghĩa vụ nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ như quy định tại khoản 1 Điều 302 mà Bị đơn đã nêu ở trên. Ở ngữ nghĩa thứ nhất này, trước tiên phải tồn tại một nghĩa vụ, sau đó phải có việc vi phạm nghĩa vụ và cuối cùng mới nói đến trách nhiệm như một hệ quả của việc vi phạm nghĩa vụ (tức trách nhiệm chỉ phát sinh khi có việc vi phạm một nghĩa vụ đã tồn tại trước đó). Ở ngữ nghĩa thứ hai, thuật ngữ trách nhiệm được sử dụng như một nghĩa vụ (một chủ thể có trách nhiệm thì được hiểu là chủ thể này phải thực hiện một công việc, một nghĩa vụ nào đó). Cụ thể, theo khoản 2 Điều 32 Bộ luật dân sự năm 2005, khi phát hiện người bị tai nạn, bệnh tật mà tính mạng bị đe dọa thì người phát hiện có trách nhiệm đưa đến cơ sở y tế. Quy định này cho thấy, thuật ngữ trách nhiệm có nội hàm là người phát hiện phải thực hiện nghĩa vụ đưa người bị tai nạn, bệnh tật mà tính mạng bị đe doạ đến cơ sở y tế. Nghĩa vụ này phát sinh hoàn toàn không phải là hệ quả của việc vi phạm một nghĩa vụ dân sự đã tồn tại như quy định tại khoản 1 Điều 302 nêu trên. Tương tự, theo khoản 1 Điều 69 Bộ luật dân sự năm 2005, người giám hộ có trách nhiệm quản lý tài sản của người được giám hộ như tài sản của chính mình. Cũng với ý nghĩa như vậy, trong Điều 586 về Nghĩa vụ của bên uỷ quyền, Bộ luật dân sự năm 2005 quy định Bên ủy quyền có các nghĩa vụ sau đây: Chịu trách nhiệm về cam kết do bên được uỷ quyền thực hiện trong phạm vi uỷ quyền. Để cho thấy tính pháp lý của việc sử dụng thuật ngữ trách nhiệm như một nghĩa vụ, chúng ta có thể xem thêm nội dung Điều 220 hay khoản 2 Điều 268 Luật Thương mại năm 2005 theo đó Bên mời thầu có trách nhiệm chỉ dẫn cho bên dự thầu về các điều kiện dự thầu, các thủ tục được áp dụng trong quá trình đấu thầu và giải đáp các câu hỏi của bên dự thầu hay Cơ quan nhà nước yêu cầu giám định có trách nhiệm trả thù lao giám định cho thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định theo thỏa thuận giữa hai bên trên cơ sở giá thị trường. Như vậy, căn cứ vào Bộ luật dân sự năm 2005 cũng như Luật Thương mại năm 2005 (là các văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng cho hợp đồng đang có tranh chấp), trách nhiệm không chỉ được sử dụng với ý nghĩa của Điều 302 Bộ luật dân sự năm 2005, mà còn được sử dụng với ý nghĩa là một nghĩa vụ dân sự, mà một chủ thể phải thực hiện cho một chủ thể khác”.

Việc sử dụng quy phạm pháp luật (trong Nghị định hay Luật, Bộ luật) để giải thích hợp đồng có điều gì đó chưa ổn xét từ góc độ lý thuyết. Bởi lẽ, hợp đồng là sản phẩm của các bên trong hợp đồng (tức là ý chí của các bên) trong khi đó quy phạm pháp luật là sản phẩm của cơ quan lập pháp (tức ý chí của cơ quan lập pháp) nên giải thích hợp đồng (tức là xác định “ý muốn đích thực của các bên khi xác lập giao dịch”) phải gắn với ý chí của các bên, không gắn với ý chí của các nhà lập pháp. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng khi đã có quy định của pháp luật về một vấn đề (một khái niệm) mà trong hợp đồng không có thỏa thuận khác thì chúng ta hiểu rằng các bên ngầm đã lấy khái niệm trong quy định của pháp luật để đưa vào hợp đồng. Lúc này “khái niệm luật định” trở thành “khái niệm của hợp đồng”. Vì thế, việc cơ quan tài phán dựa vào quy định của pháp luật để giải thích một thuật ngữ, một khái niệm trong hợp đồng không thực sự mâu thuẫn nhau. Hướng này là thuyết phục vì thuật ngữ hay khái niệm được luật hóa trở thành khái niệm chính thống, ai cũng phải biết và khi không có thỏa thuận khác thì coi như các bên đã ngầm chấp nhận khái niệm, thuật ngữ trong quy phạm pháp luật.

Từ các vụ việc trên, doanh nghiệp cần biết rằng nếu một thuật ngữ, một khái niệm trong hợp đồng mà các bên có tranh chấp và thuật ngữ này, khái niệm này đã được làm rõ trong quy phạm pháp luật thì nhiều khả năng cơ quan tài phán sẽ sử dụng nội hàm của thuật ngữ, khái niệm trong quy phạm pháp luật. Nếu trong hợp đồng, các bên sử dụng một thuật ngữ đã tồn tại trong quy định của pháp luật và các bên không có định hướng nội hàm khác thì thuật ngữ được sử dụng trong hợp đồng có nhiều khả năng được hiểu như nội dung trong quy định của pháp luật. Vì thế, nếu muốn thuật ngữ trên có nội hàm khác nội hàm trong quy định của pháp luật, các bên phải định nghĩa luôn nội hàm của thuật ngữ này trong hợp đồng. Đây là điểm mà các doanh nghiệp nên biết để có những ứng xử phù hợp với lợi ích của mình khi tham gia vào việc xác lập giao dịch.

*Tuyên bố bảo lưu: Bài viết được đăng tải với mục tiêu cung cấp thông tin có giá trị tham khảo đối với các Trọng tài viên, các bên tranh chấp, những người tham gia tố tụng trọng tài cũng như những người đang nghiên cứu và tìm hiểu về phương thức trọng tài thương mại và không có bất kỳ mối liên hệ hay có mục đích nhằm thể hiện ý kiến, quan điểm của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC). Mọi sự dẫn chiếu, trích dẫn từ bên thứ ba bất kỳ đến một phần hoặc toàn bộ nội dung tại bài viết này đều không có giá trị và không được VIAC thừa nhận. 

Tin liên quan

  • VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI